Bảo vệ hệ tiêu hóa sau những cuộc vui ngày đầu năm

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người đoàn viên, sum họp gia đình và tổ chức các bữa ăn thịnh soạn. Những món ăn ngày Tết lại thường nhiều đạm, dẫu mỡ, đồ muối chua cũng như nhiều rượu bia khiến hệ tiêu hóa trở nên quá tải dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa và nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc thực phẩm cũng tăng cao. Không chỉ đối với những ngày đầu năm, mà ngay cả đối với những ai thường xuyên dự tiệc cũng cần lưu ý những thông tin sau.

Các bệnh tiêu hóa thường gặp

Đầy hơi, khó tiêu

  • Trạng thái thường gặp do ăn thực phẩm chứa nhiều đạm, dầu mỡ, chất béo, tinh bột, đồ ngọt… làm cho dạ dày lúc nào cũng trong tình trạng đầy hơi, không tiêu hóa được. 
  • Biểu hiện: bụng đầy hơi, căng tức, khó chịu do có hiện tượng tích hơi, tiêu hóa kém và thức ăn ứ đọng trong dạ dày.

Ngộ độc thực phẩm

  • Nguyên nhân chính là do ăn uống những thực phẩm có chứa các loại vi khuẩn lây nhiễm vào thức ăn trong quá trình chế biến, bảo quản.
  • Biểu hiện: buồn nôn, tiêu chảy kèm đau bụng từng cơn và những cơn sốt ớn lạnh, sức khỏe suy giảm do mất nước sau khi ăn thực phẩm bất thường từ một đến vài giờ.

Tiêu chảy

  • Tiêu chảy có thể là một biểu hiện của tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc là một tình trạng nhiễm trùng do quá trình bảo quản hoặc chế biến thức ăn bị nhiễm khuẩn vi sinh vật.
  • Bệnh nhân tiêu chảy nhiễm trùng có thể biểu hiện tiêu chảy kèm phân lẫn nhầy hoặc máu, mất nước, đau bụng, đầy hơi và sốt… lúc này nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được kê toa và xử lý bù nước kịp thời.

Viêm loét dạ dày tá tràng cấp

  • Nguyên nhân thường gặp là do chế độ ăn uống không hợp lí (thường xuyên ăn đêm, ăn quá no hoặc quá đói sẽ làm cho dạ dày làm việc quá sức), sử dụng rượu bia và các chất kích thích hoặc do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Biểu hiện: đau bụng và cảm giác nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nặng hơn có thể nôn ra máu và đi cầu phân đen là biểu hiện xuất huyết tiêu hóa cần nhập viện gấp để được điều trị kịp thời.

Viêm tụy cấp

  • Bệnh thường xuất hiện ở những người uống nhiều rượu bia hoặc sau bữa ăn thịnh soạn.
  • Biểu hiện gồm đau đột ngột vùng thượng vị hoặc 1/4 bụng trên trái, nôn mửa và không giảm đau sau nôn.

Khi nào nên đến ngay các cơ sở y tế?

Các vấn đề về tiêu hóa thường gặp như tiêu chảy, ợ nóng có thể tự cải thiện bằng cách thay đổi cách ăn uống hoặc uống thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, đối với các bệnh lý nghiêm trọng hoặc trường hợp triệu chứng chuyển biến tiêu cực, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm để được theo dõi và kiểm soát kịp thời. Một số dấu hiệu đáng lo ngại phải kể đến gồm:

  • Đau bụng, chướng bụng hoặc đầy hơi xảy ra liên tục, kéo dài.
  • Ợ nóng xảy ra liên tục, kéo dài hoặc ngày càng nghiêm trọng.
  • Buồn nôn hoặc nôn liên tục.
  • Tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy kèm sốt, đau bụng quặn hoặc tiêu phân nhầy máu.
  • Nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc có lẫn máu trong phân.

Cách phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa

Chế biến và bảo quản thức ăn

  • Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh: rau quả phải tươi, không dập nát, thịt, cá và các loại thủy sản cần tươi, không có mùi ươn hôi.
  • Không sử dụng các loại thực phẩm khô đã bị mốc vì có chứa độc tố vi nấm rất nguy hiểm. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói phải có đầy đủ nhãn mác và còn thời hạn sử dụng. Không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu không đủ tiêu chuẩn để chế biến.
  • Dao thớt dùng cho chế biến thức ăn sống phải riêng biệt với dao thớt dùng cho chế biến thức ăn chín. 
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và nấu nướng.
  • Ăn ngay thức ăn vừa nấu chín xong. Bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín, tránh bụi và ruồi.

Ăn uống sinh hoạt vui chơi

Để có được những ngày vui trọn vẹn bên cạnh người thân, ta nên tuân thủ một số điều như:

  • Đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn: thức ăn được nấu chín, không sử dụng thực phẩm để tủ lạnh quá lâu…
  • Bổ sung các thực phẩm chứa chất xơ như: táo, trái cây họ cam quýt, yến mạch, cà rốt…
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá, thức ăn quá cay hoặc quá nhiều gia vị.
  • Uống đủ nước, bổ sung men tiêu hóa vào thực đơn.
  • Chuẩn bị một số loại thuốc tiêu hóa trong tủ thuốc gia đình.

Kết luận

Việc mắc các bệnh lý tiêu hóa có thể khiến những dịp quây quần của bạn giảm đi niềm vui, nhất là khi nghiêm trọng đến mức phải khám bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Vì vậy, hãy kiểm soát việc ăn uống vào những dịp Lễ – Tết, không ăn uống quá thoải mái và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh để có những cuộc vui trọn vẹn mà vẫn đảm bảo sức khoẻ cho chính mình.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
0976.359.444
0976359444