Căng thẳng là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, căng thẳng (stress) là một trạng thái lo lắng và áp lực về tinh thần do một tình huống khó khăn gây ra. Căng thẳng diễn ra trong một thời gian ngắn sẽ giúp bạn tập trung tinh thần giải quyết tốt tình huống khó, nó được gọi là căng thẳng tích cực hay eustress. Nhưng khi căng thẳng diễn ra trong thời gian dài gây ra những tác động có hại đến sức khỏe thể chất tinh thần nó được gọi là distress – căng thẳng tiêu cực.
Những nguyên nhân nào trong cuộc sống dẫn đến căng thẳng tiêu cực?
Lối sống hiện đại làm con người dễ dàng đối mặt với căng thẳng nhiều hơn, do mỗi người dần có xu hướng chịu đựng và không sẻ chia những vẫn đề mình gặp phải, để mọi việc đè nén trong thời gian dài. Tuy rằng mỗi người đều có những nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng tiêu cực khác nhau, nhưng tất cả những nguyên nhân này đều thuộc một trong hai nhóm nguyên nhân chính sau:
Các yếu tố từ bên trong:
- Thể chất: Chỉ những sự thay đổi từ bên trong cơ thể, do bệnh tật, ốm đau.
- Suy nghĩ của mỗi người trước các vấn đề trong cuộc sống: suy nghĩ tiêu cực, đặt quá nhiều mục tiêu cần đạt được trong cuộc sống hoặc đặt những mục tiêu quá cao ngoài khả năng của bản thân, người quá cầu toàn về mọi thứ.
Các yếu tố bên ngoài:
- Môi trường xung quanh: sự thay đổi thời tiết, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, thay đổi công việc, con người xung quanh nơi sinh sống…
- Gia đình: sự chia ly, mất mát, bất đồng quan điểm trong cuộc sống gia đình…
- Công việc: áp lực thành tích, áp lực thời hạn hoàn thành công việc, áp lực về tài chính…
Dấu hiệu nào nhận biết chúng ta đang bị căng thẳng và những ảnh hưởng đối với cuộc sống.
Khi mới bị căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn cho việc thư giãn, dễ cáu giận với tất cả mọi việc dù là đơn giản đang diễn ra xung quanh mình. Không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra các biểu hiện và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày như sau:
- Rối loạn và giảm chất lượng giấc ngủ.
- Mất cảm giác hạnh phúc và không tập trung trong công việc.
- Rối loạn hành vi và cảm xúc: ăn uống nhiều hoặc chán ăn, tìm đến các chất gây nghiện như: ma túy hoặc thức uống có cồn, thuốc lá, dễ khóc, dễ nóng giận, dễ mất kiểm soát, hay lo lắng, bồn chồn sợ hãi, phản ứng thái quá với tất cả các hoạt động xung quanh, dù là điều đơn giản nhất.
- Tác động đến hệ thống tim mạch như: tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở.
- Ảnh hưởng chức năng tình dục: giảm ham muốn, giảm chất lượng tinh trùng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Khi xác định bản thân đang gặp phải các vấn đề liên quan căng thẳng, chúng ta cần phải làm gì để giải tỏa hiệu quả?
Một số cách giúp giảm căng thẳng hiệu quả:
Giúp bản thân thư giãn:
- Tập bài tập thở nhẹ nhàng, hít vào thật chậm và nông, sau đó, thở ra cũng thật chậm rãi đến khi cảm nhận được phổi trống rỗng. Tập trung suy nghĩ vào cảm nhận hơi thở, sự chuyển động nhẹ nhàng lên xuống của cơ thể, sau đó, chầm chậm duỗi người ra và từ từ ấn đôi bàn chân xuống đất. Hãy lặp lại bài tập và thực hành càng nhiều càng tốt, việc này sẽ giúp kéo bạn ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực đang cố kéo bạn vào sự căng thẳng nhiều hơn.
- Dành thời gian cho bản thân: nghe nhạc, đọc sách, xem phim, mua sắm, chăm sóc bản thân…
- Giữ tinh thần lạc quan vui vẻ: chấp nhận những điều không thể thay đổi. Sống tốt và tích cực theo những gì mà bản thân hướng đến.
Chế độ sinh hoạt làm việc hợp lý, khoa học:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn đủ chất, đúng giờ, ăn vừa đủ, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá…
- Ngủ đủ giấc: đi ngủ đúng giờ và thức dậy đúng giờ, đảm bảo duy trì giấc ngủ, tránh sử dụng tivi, điện thoại, máy tính quá sát với giờ chuẩn bị đi ngủ.
- Tập luyện thể dục thể thao.
- Kết nối với mọi người: hãy chia sẻ cảm xúc suy nghĩ của bản thân với người xung quanh, người mà bạn cảm thấy tin tưởng và có thể cho bạn lời khuyên theo hướng tích cực.
- Trong công việc và trong cuộc sống, cần đặt ra những mục tiêu cần đạt được và tập trung vào thực hiện các việc liên quan đến mục tiêu bạn đặt ra. Mục tiêu đặt ra phải thực tế và phù hợp với bạn, đừng đặt ra cho bản thân mục tiêu quá khó khăn. Trong quá trình thực hiện, nếu các suy nghĩ tiêu cực kéo đến, bạn hãy thực hành bài tập thở ở trên.
Đôi khi, căng thẳng sẽ không thể mất hoàn toàn và có những tác động không tốt đến sức khỏe. Lúc đó, hãy đến gặp bác sĩ để được khám tư vấn cách điều trị hiệu quả giúp bạn quay lại với cuộc sống có chất lượng tốt hơn nhé. Chúc bạn có một cuộc sống vui khỏe.